Tapchinhabep.net đã từng chia sẻ rất nhiều những món ngon từ măng tây, hay cách khai thác hạt giống măng tây. Bài viết này sẽ chia sẻ đến bạn đọc kho tàng các kỹ thuật trồng măng tây xanh năng suất, chất lượng cao.
4 yếu tố cần thiết khi chuẩn bị trồng măng tây xanh
Hạt giống
Hạt giống được coi như yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất cây trồng. Theo kinh nghiệm của các chuyên gia nông nghiệp hàng đầu, giống cây trồng quyết định đến 40% giá trị sản lượng.
Việc chọn được hạt giống măng tây xanh chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn sẽ giúp bạn kháng lại sâu bệnh, khả năng chịu hạn tốt, thích nghi với thời tiết và giảm tỉ lệ chết bệnh.
Đất
Đất là nguồn cung cấp chất dinh dưỡng để nuôi cây. Mỗi loại đất nông nghiệp sẽ phù hợp với nhu cầu phát triển của từng loại cây khác nhau. Đối với măng tây, bạn cần chuẩn bị diện tích đất phù sa, đất thịt nhẹ hoặc đất pha cát là những loại đất phù hợp nhất để măng tây xanh phát triển. Chất lượng đất sau khi xử lý đảm bảo độ pH từ 6,6 – 7,0, không bị phèn chua.
Nên sử dụng khu vực trồng măng lộ thiên, vì măng tây là loại cây ưa sáng, nếu thiếu nắng và thiếu ánh sáng sẽ khiến cây sinh trưởng chậm và năng suất cũng như chất lượng măng tây thấp.
Khí hậu
Sở dĩ măng tây xanh ở Việt Nam phát triển bởi vì nó có nhiều loại giống thích nghi được với khi hậu nhiệt đới ẩm gió mùa nước ta. Hạt măng tây có thể nảy mầm ở nhiệt độ 20-25oC. Măng tây đặc biệt thích hợp với vùng khí hậu nhiệt đới có nhiệt độ trung bình 20-30oC.
Phân bón
Phân bón đóng vai trò hết sức quan trọng đến khả năng phát triển, năng suất, chất lượng cây trồng. Bón phân cho măng tây xanh có rất nhiều công đoạn và cần được thực hiện tỉ mỉ ngay cả khi bón phân lót, phân thúc hay giai đoạn trước thu hoạch. Bạn cũng phải tìm hiểu kĩ các loại phân bón phù hợp với từng giai đoạn trồng măng thì mới thu được kết quả tốt.
Kỹ thuật trồng măng tây năng suất cao
Như đã chia sẻ ở bài viết khai thác hạt giống măng tây xanh, để đem được măng tây xanh ra đến đất trồng là một giai đoạn ươm trồng hạt giống tỉ mỉ của người làm trồng cây. Bài viết này sẽ chia sẻ sâu hơn về kỹ thuật trồng măng tây sau khi gieo trồng, cụ thể là cách chăm sóc, bón phân và thăm cây.
a. Bón phân lót
Đây là giai đoạn diễn ra trước khi đưa hạt giống măng tây đã ươm mầm ra đất trồng. Cần bón lót đất trồng với lượng phân hỗn hợp:
- 20-30-50 tấn phân trùn quế (hoặc phân chuồng ủ hoai) có bổ sung vi sinh
- 20-30-50 tấn chất độn làm tơi xốp đất như tro trấu, rơm trấu mục, bã vỏ đậu phọng, bã thân/cùi bắp, mạt cưa, bã vụn xơ dừa, tro trấu, cát san nền,… đã xử lý sunfat đồng hoặc nước vôi để khử trùng
- chế phẩm nấm vi sinh đối kháng Trichoderma
- 300 kg NPK 16-16-8.
b. Bón phân thúc
– Sau khi đã gieo trồng được 15 ngày, bón thúc 150 kg NPK 15-15-15. Đồng thời, phải kết hợp vun đất, điều chỉnh cây đứng thẳng để hứng được nhiều ánh sáng mặt trời.
– Sau khi trồng 1 tháng (30 ngày), cây đã cao thêm được một vài cm, lúc này cần bón thúc lượng 150 kg NPK 16-16-8. Bạn nên tiến hành xới đất, làm sạch cỏ non và phun thuốc phòng ngừa nấm bệnh, sâu hại cây.
– Vào khoảng ngày thứ 45, bạn nên tiến hành thăm cây trồng và loại bỏ những cây yếu, tỉa bỏ cây bị sâu bệnh, cây đổ nghiêng ngả, cây già và cây nhỏ, chỉ giữ lại 4 – 6 cây khỏe trên 1 bụi. Sau đó, bón thúc 200 kg NPK 15-15-15.
– Khi trồng được 2 tháng, 2 tháng rưỡi, 3 tháng, lần lượt mỗi giai đoạn sẽ bón thúc 250 kg NPK theo tỉ lệ 15-15-15. Cùng với đó là tiến hành chăm sóc vun đất, nhặt cỏ, thăm cây thường xuyên.
– Giai đoạn 1 tháng rưỡi sau là giai đoạn rất quan trọng để măng bắt đầu trổ. Vào tháng 3 tháng 15 ngày, cần phải bón thúc 12-15 tấn phân trùn quế có bổ sung lân (hoặc phân chuồng ủ hoai) kết hợp với chế phẩm sinh học Trichoderma + 300 kg NPK 15-15-15
– Vào tháng thứ 4 và giữa tháng tư, tăng lượng phân thúc bón lên lần lượt là 300 kg NPK 16-16-8 và 400 kg NPK 21-7-14. Lúc này, cây sẽ bắt đầu trổ măng. Chọn giữ lại 3 cây mẹ khoẻ mạnh trên 1 bụi, phát triển tốt, đường kính thân cây đạt > 10-12 mm. Phun thuốc phòng ngừa nấm bệnh và sâu hại cây
Sau khi cắt hạ bớt ngọn 5-10 ngày, cây bắt đầu trổ măng tơ. Cần tiến hành thu hái cho bằng hết lứa măng tơ này (bất kể đạt hay không đạt chất lượng) để cây măng có chỗ trống chuẩn bị cho ra đời lứa măng kế tiếp nhiều hơn và khoẻ mạnh hơn.
Thu hoạch lứa măng tơ mỗi ngày, được 12-15 ngày thì bón thúc 300 kg NPK 21-7-14; thu hoạch tiếp 12-15 ngày nữa thì phải tạm ngưng thu hoạch măng ngay. Không nên thu hoạch lứa măng tơ kéo dài quá 1 tháng (25-30 ngày), tránh không để cây bị mất sức, suy kiệt, làm ảnh hưởng năng suất, chất lượng các lứa măng sau.
c. Bón phân cho chu kỳ trổ măng tiếp theo
Sau khi ngưng thu hoạch măng tơ từ 12 -15 ngày, cần phải có động tác sàng lọc lại cây trồng, tiếp tục loại bỏ những cây không đạt chất lượng ra khỏi bụi. Sau đó tiếp tục bón phân thúc và duy trì đều đặn lượng phân bón là 15 ngày 1 lần.
Cây Măng tây thường trổ rộ nhiều măng trong mùa nắng, tức những tháng đầu năm. Tuy nhiên, đầu năm nhu cầu tiêu dùng thường không cao bằng các tháng sau đó. Để tránh thiệt hại, những tháng đầu năm trong mùa nắng người trồng cây măng tây xanh có thể chủ động giảm bớt sản lượng bằng cách tạm ngưng thu hoạch hoặc rút ngắn thời gian thu hoạch măng (không nhất thiết phải kéo dài thời gian thu hoạch đủ 3 tháng) để tập trung dưỡng cây mẹ, chuẩn bị thu hoạch nhiều măng hơn trong các chu kỳ thu hoạch tiếp theo sau đó.
Trên đây là những thông tin chi tiết trong kỹ thuật trồng cây măng tây năng suất cao. Chúc các bạn kinh doanh thành công!
_Xanh_