Món ăn gì cũng có những bí quyết hay kinh nghiệm mà chỉ những người trong nghề mới biết được. Mới đây, Tapchinhabep.net đã có cuộc chia sẻ với cô Bảy – chủ quán bún riêu cua nổi tiếng tại Hà Nội để học cách nấu bún riêu cua đồng ngon nhất. Cùng tìm hiểu nhé!
1 Nguyên liệu cho cách nấu bún riêu cua đồng ngon nhất
Với món ăn hấp dẫn này, bạn cũng chỉ cần sử dụng những nguyên liệu vô cùng đơn giản. Công thức này dùng để nấu được khoảng 5 tô bún riêu. Nếu muốn tăng giảm, bạn điều chỉnh cho theo tỉ lệ nhé!
- 500g cua đồng
- Hộp gạch cua nấu bún riêu
- Đậu phụ: 3 bìa (thêm bớt tùy thích)
- Tôm khô: 100g
- Bún tươi: 1 kg
- Dầu ăn, dầu điều (tạo màu)
- Cà chua: 3 quả
- Gia vị: muối, hạt nêm, mắm tôm, giấm
- Các loại rau ăn kèm: xà lách, kinh giới, tía tô, rau muống chẻ, hoa chuối thái rối, rau mùi ta,…
2 Hướng dẫn cách nấu bún riêu cua đồng ngon nhất
2.1 Xử lý và sơ chế cua đồng
Tại sao mua gạch cua được chế biến sẵn mà vẫn phải mua cua đồng? Đó chính là bí quyết trong công thức này. Mùi thơm, hương vị đậm đà chỉ cua đồng tươi mới mang lại được. Món món ăn này trọn vẹn nhất, bạn nhất định phải có cua đồng.
Cua mua về bạn rửa lại nhiều lần bằng nước sạch rồi gỡ mai, tách đôi cua ra. Tiếp theo, bạn khêu phần gạch cua ra còn phần xác cua bạn đem đi giã hoặc xay nhuyễn.
Phần gạch cua là phần màu vàng bên trong cua
Sau khi xay xong phần xác cua, bạn cho ½ thìa cà phê muối (mẹo này giúp cho bánh cua khi nấu sẽ to và không bị vỡ) cộng với 1 lít nước lạnh rồi đem đi lọc qua rây để lấy phần nước mịn.
2.2 Nấu nước dùng cua đồng
Phần nước chắt sau khi lọc cua chính là nguyên liệu làm nước dùng chính. Bạn cho lên bếp đun sôi, bạn cho thêm nước lọc để vừa cho 5 bát (không để lửa quá to nước sôi mạnh làm vỡ bánh cua). Khi nước sôi phần bánh thịt cua nổi lên, bạn vớt nhẹ ra khỏi nồi.
2.3 Sơ chế các nguyên liệu khác
Cà chua thái miếng rồi xào sơ để cho vào nồi nước dùng. Còn đậu phụ, bạn thái miếng nhỏ rồi chiên giòn.
Đối với phần gạch cua: Bạn phi thơm hành tím rồi cho gạch cua vào xào cùng, cho khoảng ½ thìa cà phê mắm tôm vào xào cùng tạo độ thơm.
2.4 Cho các nguyên liệu còn lại vào nước dùng
Bạn cho phần gạch cua đã xào ở trên vào nồi nước dùng rồi tiếp tục đun sôi, cho phần cà chua đã xào và đậu phụ chiên vào nồi. Sau khi đã đun sôi trở lại, bạn cho phần gạch cua trong hộp ăn liền vào đun (bạn có thể không cần dùng thêm gạch cua đóng hộp).
Tiếp theo bạn nêm nếm gia vị: Pha 1 muỗm canh mắm tôm, ½ bát con giấm, 2 thìa bột canh, 1 thìa cà phê hạt nêm quậy đều rồi cho vào nồi nước dùng sau đó nêm nếm lại cho vừa khẩu vị.
2.5 Trang trí và thưởng thức
Khi dùng bún, bạn trụng qua với nước sôi rồi cho bún ra tô, cho một ít phần bánh cua vào cùng (phần vớt ra bước 2.2), gắp vài miếng đậu trang trí chan nước và thêm hành, rau mùi lên.
Vậy là bạn có thể thưởng thức ngay tô bún riêu cua nóng hổi, chuẩn vị.
3. Một số lưu ý khi ăn bún riêu cua
Bún riêu cua ăn có béo không?
Dựa vào công thức phân tích thành phần năng lượng của một tô bún riêu cua cỡ vừa, ta có thể tính được tổng năng lượng của món này là 450 kcal. Như vậy năng lượng trong một tô bún riêu cao gấp 2,25 lần một chén cơm trắng (200 kcal) và gấp 1,5 lần một chén cơm có thức ăn (300 kcal).
So với cơm thì món này khá nhiều calo, bạn không nên ăn quá nhiều nếu muốn giảm cân!
Ai không nên ăn bún riêu cua?
Gạch cua có nhiều cholesterol, nên người huyết áp cao, bệnh tim mạch cần hạn chế dùng. Khi ăn cua, nên ăn cùng lá tía tô, gừng để làm giảm bớt tính hàn.Bên cạnh đó, cua đồng cũng chứa nhiều sodium và purines nên không thích hợp cho người bị bệnh gút.
Một số trường hợp khác cũng không nên ăn bún riêu cua nói riêng và cua đồng nói chung:
– Người đau ốm mới khỏe, hệ thống tiêu hóa còn yếu cũng không nên ăn.
– Người có biểu hiện tỳ vị hư hàn (cảm giác sợ lạnh) cũng cần hạn chế.
– Nếu bị tiêu chảy, không ăn bún riêu vì vừa có tính chua, và có cua đồng.
Cách nấu bún riêu cua đồng ngon nhất không hề khó, với những nguyên liệu dễ tìm, bạn có được món ăn ngon vào mùa hè. Chúc bạn thành công!
– Nguyễn Ánh –