Thừa cân hay béo phì khi mang thai có thể ảnh hưởng rất lớn đến sức khoẻ của mẹ. Tệ hơn, có thể gây ra các biến chứng cho thai nhi. Để có thể hiểu rõ hơn về béo phì trong thai kì, hãy cùng tapchinhabep.net tìm hiểu ngay bài viết sau đây!
Thừa cân khi mang thai
Thừa cân được định nghĩa là khi chỉ số khối cơ thể (BMI) nằm trong khoảng 25 – 29,9. Béo phì là tình trạng xảy ra khi chỉ số BMI từ 30 trở lên.
Ở các nước đang phát triển, tình trạng béo phì cũng như suy dinh dưỡng khá phổ biến, tập trung ở các thành phố lớn hơn là ở nông thôn. Việt Nam có tỷ lệ thừa cân và béo phì trung bình khoảng 6 – 10%.
Các biến chứng khi thai phụ thừa cân hay béo phì có thể gặp
Nếu thai phụ đang trong tình trạng thừa cân, béo phì, thì nguy cơ mắc các bệnh lý và các biến chứng trong thai sản càng cao. Thừa cân càng nhiều, nguy cơ càng đáng báo động.
Một số biến chứng có thể kể đến như:
- Vô sinh
- Sẩy thai (em bé chết trong tử cung trước 20 tuần của thai kỳ)
- Thai chết lưu (khi em bé chết trong tử cung trước khi sinh nhưng sau 20 tuần của thai kỳ_
- Huyết áp cao và tiền sản giật
- Tiểu đường thai nghén
- Các biến chứng trong quá trình đau đẻ và sinh, bao gồm cả việc em bé rất to (được gọi là to so với tuổi thai) hoặc cần mổ lấy thai.
- Một số các vấn đề như tiền sản giật có thể tăng nguy cơ sinh non (sinh trước 37 tuần của thai kỳ)
Ảnh hưởng của việc sản phụ thừa cân đến em bé
- Dị tật bẩm sinh, bao gồm cả các khuyết tật ống thần kinh (NTD). NTD là những dị tật bẩm sinh của não và cột sống.
- Sinh non.
- Thương tích, như trường hợp đẻ khó do kẹt vai (khi vai thai nhi kẹt phía sau xương mu của mẹ sau khi đã sổ đầu) trong khi sinh vì em bé to
- Chết sau khi sinh.
- Béo phì trong thời thơ ấu.
Làm gì khi phụ nữ béo phì có thai?
Mặc dù có nguy cơ xảy ra rủi ro, nhưng phụ nữ béo phì khi mang thai vẫn có thể có thai kỳ khỏe mạnh. Tuy nhiên, mẹ bầu cần phải thường xuyên cần đến sự tư vấn, trợ giúp của bác sĩ sản khoa và bác sĩ dinh dưỡng, để có kế hoạch chăm sóc đặc biệt.
Thai phụ cần được giám sát kỹ các chỉ số như đường huyết, huyết áp, chức năng gan, chức năng thận trong suốt thời kỳ mang thai. Mục tiêu làm sao duy trì các chỉ số này luôn nằm trong giới hạn bình thường. Mỗi giai đoạn của thai kỳ đều tồn tại những rủi ro cần phải dự phòng trước để tránh xảy ra những biến chứng sau đó.
- Ba tháng đầu: Khả năng sảy thai cao, bác sĩ cần cho thuốc dưỡng thai và thuốc chống co thắt.
- Ba tháng giữa: Nguy cơ sảy thai vẫn còn, đi kèm với tiền sản giật và đái tháo đường thai kỳ… Cần chú ý theo dõi sát sao và xử trí kịp thời.
- Ba tháng cuối: Nguy cơ xảy ra tăng huyết áp thai kỳ, chứng tiền sản giật, tiểu đường thai kỳ, hội chứng ống cổ tay khi mang thai, giãn khớp cùng chậu và rủi ro sinh non.
Trong mọi trường hợp, phụ nữ béo phì khi mang thai cần tuân thủ theo hướng dẫn điều trị của bác sĩ.
Kiểm soát cân nặng sau khi sinh
Một khi đã “mẹ tròn con vuông”, hãy tập thói quen ăn uống lành mạnh và tập thể dục đều đặn để đạt được cân nặng như ý muốn.
Nuôi con bằng sữa mẹ được khuyến nghị cho năm đầu đời của trẻ. Cho con bú không chỉ là cách tốt nhất để nuôi con mà còn giúp giảm cân sau sinh. Nhìn chung, phụ nữ cho con bú ít nhất vài tháng có xu hướng giảm cân nhanh hơn so với phụ nữ không cho con bú.
Ngoài ra, thường xuyên tập thể dục, yoga, chế độ ăn uống lành mạnh không chỉ giúp bạn có sức khoẻ tốt mà còn hạn chế được tình trạng béo phì sau khi sinh.
Quỳnh Trang